Nghệ nhân Masahiro Kikuno là một người luôn theo đuổi những giá trị truyền thống của Nhật Bản, điều này thể hiện rõ trên những chiếc đồng hồ do ông tạo ra. Cùng Bệnh Viện Đồng Hồ tìm hiểu.
Nội dung bài viết
Nghệ nhân đồng hồ Masahiro Kikuno
Mặc dù mới 33 tuổi, Masahiro Kikuno đã tự tay chế tác ra được những chiếc đồng hồ đeo tay theo quy tắc truyền thống vô cùng nghiêm ngặt, lấy cảm hứng từ người thợ thủ công đã chế tạo nên chiếc “wadokei” – hay đồng hồ Nhật truyền thống vào thế kỷ 19.
Kikuno đã cho ra đời những kiệt tác của mình tại chính ngôi nhà của anh, tọa lạc ở một thành phố nhỏ thuộc vùng Matsudo, nơi chỉ cách Tokyo một giờ lái xe. Garage nhà anh biến thành cửa tiệm với đủ thứ máy móc, nhà vệ sinh dư cũng được tận dụng làm nơi xử lý những công đoạn liên quan đến kim loại. Cùng với vợ, Kikuno vẫn luôn giữ cho ngôi nhà của mình, cũng là cái nôi cho những tác phẩm của anh, luôn gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ và thoải mái, như bao ngôi nhà bình thường khác trên đất Nhật Bản.
Dù có diện tích khá khiêm tốn, xưởng làm việc của Kikuno vẫn được trang bị gần như là đầy đủ mọi loại thiết bị hỗ trợ cho nhau. Anh có thiết bị làm nóng thép, bánh răng, xanh hóa thép (bluing steel – kỹ thuật biến đổi màu sắc của thép bằng cách tạo ra lớp oxit sắt Fe3O4 màu xanh bám trên thép ngăn lớp thép dưới tiếp xúc oxy ngoài không khí dẫn đến bị gỉ, đồng thời giúp giảm phản chiếu ánh sáng), thậm chí máy cán để làm phẳng những thanh thép trong công đoạn chế tạo mặt số “mokume-gane” (kim loại với những đường vân như vân gỗ).
Kikuno tự chế tạo hầu hết các chi tiết của một chiếc đồng hồ, kể cả phần vỏ đồng hồ. Sự tâm huyết của Kikuno được thể hiện từ việc chế tác các chi tiết bằng tay. Anh thậm chí còn tự chế tạo “mokume-gane”: mọi công đoạn từ việc nện búa, cán, cho tới nung đồng, vàng và bạc để sản xuất bằng được hợp kim vàng có vân đều một mình anh làm.
Một số bộ phận như lò xo, dây cót, đá/ngọc trang trí, mặt kính và dây da thì anh được mua từ các nhà cung cấp, chủ yếu là các công ty con của Seiko.
Garage được bài trí lại
Thay vì dùng để đỗ xe như bao gia đình khác, Kikuno lại tận dụng Garage để trang bị đủ thứ cần thiết cho các công đoạn chế tạo khung đồng hồ, tới cầu nối (bridges), đánh bóng, hay những công đoạn với kim loại. Không gian nhỏ đó không lớn nhưng luôn được sắp xếp ngăn nắp gọn gàng.
Máy móc của anh còn có cả máy nghiền kiểu cổ vận hành hoàn toàn bằng tay: Kikuno phác ra những đường nét cho phần khung cơ bản (baseplate) với chiếc bút trâm (stylus), trong khi máy cắt cùng lúc nghiền cán, loại bỏ phần thừa.
Kikuno cũng tự làm luôn cả việc kiểm định chất lượng để đảm bảo mọi bộ phận anh sản xuất ra đều ở tình trạng tốt nhất. Anh thực hiện điều này với một chiếc máy so mẫu quang học – một thiết bị giúp đối chiếu hình ảnh phóng đại của một chi tiết so với biểu đồ chung.
Khởi nguồn ý tưởng
Con đường đến với chế tác đồng hồ của Kikuno quả có chút khác thường. Anh từng là kỹ sư chế tạo vũ khí hạng nhẹ trong Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản (Japanese Self-Defense Forces/JSDF) trong 4 năm từ khi 18 tuổi. Chính những năm tháng trong quân ngũ, Kikuno đã tìm thấy tiếng gọi của hoài bão nhờ gặp được cấp trên của mình – một người có tình yêu lớn dành cho những chiếc đồng hồ.
Kikuno theo học 4 năm tại Hiko Mizuno College of Jewelry ở Shibuya, một quận ở Tokyo nổi tiếng với các cửa hàng thời trang sau khi rời JSDF. Đây là nơi anh chế tác chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên, tuy chỉ với chức năng chỉ giờ cơ bản và mặt hiển thị khá lỗi thời.
Tác phẩm đầu tay của Masahiro Kikuno
Nhận thấy trường đại học dạy sửa chữa nhiều hơn là chế tác đồng hồ nên Kikuno đã lao vào hành trình tự học tự trau dồi. Cũng như nhiều nhà chế tác đồng hồ độc lập khác, Kikuno học hỏi các kỹ thuật cơ bản qua công trình Seminal Watchmaking của George Daniel – cuốn sách hướng dẫn chế tạo tourbillon. Và Kikuno đã tự mình tạo ra chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên với cơ chế tourbillon vào năm 2010.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Kikuno đã ở lại làm giảng viên một thời gian. Năm 2012, anh quyết định tự mở xưởng của mình và trở thành nhà chế tác độc lập. Một năm sau đó, anh trở thành thành viên của AHCI và là một trong hai người Nhật hiếm hoi của hiệp hội (người còn lại là Hajime Asaoka).
Đã nhiều năm trôi qua, Kikuno vẫn trong quá trình định hình phong cách của mình. Điều này lý giải thẩm mỹ đa dạng ở những chiếc đồng hồ anh đã sản xuất. Tuy nhiên, thành thực mà nói, việc anh tự tay chế tác hầu hết các chi tiết cũng đem lại những bất lợi nhất định, ví dụ như độ dày của phần case.
Kiên định với lối chế tác truyền thống
Việc anh quá kiên quyết trung thành với kỹ thuật truyền thống trong sản xuất khiến số lượng đồng hồ mà nghệ nhân Kikuno sản xuất kể từ ngày khởi nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, trung bình 1 chiếc mỗi năm. Trên thực tế, anh đã từng thử chế tạo đồng hồ trong tình trạng không điện, không ánh sáng hay thiết bị hiện đại chính xác như những gì đã diễn ra ở thế kỷ 19. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị hủy bỏ do sự thiếu thực tế.
Sau cùng, chiếc đồng hồ thương hiệu mà anh cho ra đời là chiếc đồng hồ đeo tay “wadokei” – chiếc đồng hồ truyền thống của Nhật lần đầu tiên được sản xuất ở dạng đeo tay.
Chiếc “wadokei” giữ lại chức năng chỉ giờ theo mùa – tức là ngày dài hơn vào mùa hè và ngắn hơn vào mùa đông – một hệ thống chỉ giờ đã bị thay thế bởi kiểu tính 24 giờ hình thành khi Nhật Bản tiến hành hiện đại hóa sau thời Thiên hoàng Minh Trị. Chiếc “wadokei” của Kikuno là phiên bản thu nhỏ của những chiếc gốc, nhưng lại là cỗ máy chỉ giờ theo cả cách truyền thống và hiện đại.
Không chỉ học theo phương pháp chế tạo truyền thống, Kikuno cũng tự hào khi cách mà anh tiếp cận sản xuất “wadokei” cũng hoàn toàn khớp với lịch sử. Sản xuất những chiếc đồng hồ này trong quá khứ cũng được thực hiện bởi một nghệ nhân duy nhất thay vì hàng loạt các nhà sản xuất như ở Thụy Sĩ vào thế kỷ 19.
Những chiếc đồng hồ ra đời
Giá khởi điểm những chiếc đồng hồ của nghệ nhân Kikuno có mức 5 triệu Yên Nhật, khoảng $45.000 như chiếc Sakubou có chức năng lịch mặt trăng, mặt số tiện bằng tay, kiểu kuro-shibuichi. Làm từ hợp kim đồng, vàng và bạc, mặt số của Sakubou mất 2 ngày để hoàn thành. Anh phải tỉ mỉ cắt thiết kế hoa bằng tay với chiếc cưa nhỏ xíu rồi chà, mài nó cho tới khi có được màu đen lì hoàn thiện.
Đặc biệt, đồng hồ Sakubou này hoạt động được bởi một cỗ máy in-house do chính nghệ nhân thiết kế. Phần hiển thị lịch mặt trăng được đặt ở vạch chỉ 6 giờ có độ chính xác tốt trong 122 năm, đạt mức cơ bản của nền sản xuất đồng hồ hiện đại.
Mặc dù Sakubou là kiệt tác mới nhất của Kikuno nhưng chiếc đồng hồ đeo tay đặc biệt nhất mà anh từng chế tác không gì khác ngoài chiếc Wadokei – tác phẩm mới được giới thiệu tại Baselworld 2017. Mức giá khởi điểm của phiên bản thường là 18 triệu Yên Nhật (khoảng $160.000), của phiên bản được chạm khắc nâng cấp là 25 triệu Yên (khoảng $225.000).
Bên cạnh đó, chiếc tourbillon có giá gần 10 triệu Yên (khoảng 90.000USD), cho thấy mức độ phức tạp của 1 chiếc wadokei.
Kikuno cũng có sẵn một số bộ máy và mô hình ở xưởng của mình để sẵn sàng cho những tác phẩm tiếp theo. Trong số các tác phẩm đang trong quá trình chế tác, có một mẫu khá thú vị với 2 bánh xe cân bằng, có cỡ như một chiếc đồng hồ bỏ túi, khá giống với F.P.Journe Resonance. Hiện Kikuno chưa rõ việc có thể biến nó thành sản phẩm sẵn có cho mục đích thương mại hay không.
Bài viết liên quan:
Vianney Halter – Nghệ nhân đồng hồ với những thiết kế độc lạ