TRƯỜNG OMEGA: “ANH THANH LÀ NỀN MÓNG VỮNG CHẮC TRONG CUỘC ĐỜI TÔI”

Untitled 1

“Anh không chỉ là một người Thầy, một người bạn, mà còn là một người Cha, người Anh mà tôi yêu quý.”

Khi nói tới đồng hồ, mọi người thường nghĩ đây là một lĩnh vực khô khan chỉ với những chi tiết máy vô tri. Nhưng thật ra không phải vậy! Có thể những chi tiết máy là vô tri vô giác, nhưng bên trong đó là cái hồn của những người thợ, những người nghệ nhân. Tạm bỏ qua những công nghệ hiện đại hay những kỹ thuật chế tác tinh vi, hôm nay Từ điển Đồng hồ muốn đề cập tới một chủ đề hoàn toàn khác, giữa người với người.

Anh Đặng Văn Trường (thường được biết đến với cái tên Trường Omega) có lẽ đã quá quen thuộc trong lĩnh vực sửa chữa đồng hồ ở Việt Nam. Như anh đã chia sẻ với chúng tôi, anh có được thành công ngày hôm nay là nhờ một phần công sức rất lớn từ người Thầy đáng kính của mình – Anh Nguyễn Chí Thanh (hay còn có biệt danh là Thanh Omega). Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Từ điển Đồng hồ muốn gửi tặng tới các bạn về một câu chuyện thật đẹp về tình Thầy trò của Anh Thanh – Anh Trường thông qua một buổi trò chuyện thú vị.

Anh Trường Omega chia sẻ về người thầy đáng kính của mình - anh Thanh Omega
Anh Trường Omega chia sẻ về người thầy đáng kính của mình – anh Thanh Omega

Chào Anh Trường. Người ta vẫn nói, đằng sau hình ảnh của một người đàn ông thành công, luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Với tình thầy trò của Anh Trường – Anh Thanh, thì có lẽ, câu nói này cũng có thể đổi được là: “Đằng sau hình ảnh của những người thợ thành công, luôn có bóng dáng của những người thầy vĩ đại”. Anh thấy câu chia sẻ này như thế nào?

Tôi phải công nhận rằng, nếu không có một nền móng vững chắc thì ngôi nhà có đẹp đến mấy cũng không thể vững chãi được. Anh Thanh chính là nền móng vững chắc giúp tôi có được tay nghề hôm nay. Trong thâm tâm tôi, mặc dù vẫn gọi như là Anh, nhưng tôi luôn coi Anh là một người thầy, một người anh thật sự trong gia đình của mình.

Tôi không biết phải định nghĩa hoặc giải thích tình cảm đó như thế nào. Nhưng tôi chỉ xin kể cho bạn một câu chuyện. Ngày bố tôi mất, năm 2006, lúc đó gia đình tôi vẫn còn rất khó khăn, tôi chẳng báo cho ai mà anh Thanh cũng biết. Anh tìm được về tận làng của tôi để chia sẻ nỗi buồn. Thậm chí, đến nơi người ta còn chỉ sai, phải lội qua một cánh đồng mới tới được nhà. Lúc đến nơi, không báo gì cả, cũng không một lời trách móc tại sao lại không báo Anh.

Bây giờ thỉnh thoảng, thấy nhớ nhau, tôi lại chủ động qua nhà anh Thanh chỉ để hỏi thăm xem “sư phụ” đang làm gì. Tớ kể như vậy để bạn hiểu rằng, tình cảm của Anh dành cho mình hơn cả tình cảm của một người Thầy, mà còn là người anh trai, người bạn.

Quá trình học nghề của Anh bắt đầu từ khi nào? Anh có thể hồi tưởng lại một chút kỉ niệm về nghề của mình chứ?

Ngày xưa tôi chỉ là nhân viên buồng phòng của khách sạ,n may mắn được làm chân quét dọn tại cửa hàng đồng hồ. Ngày ấy tôi còn trẻ lắm, tầm 18 tuổi gì đó. Anh Thanh xuất thân từ 1 người thầy trong trường đào tạo nghề ở 55 Hàng Bông. Thời điểm đó bạn không biết, chứ trường đó chỉ có con ông cháu cha mới được học.  Mà đấy là cái trường đầu tiên ở Đông Dương có điều hòa cho học sinh học, do Thụy Sĩ đầu tư toàn bộ nên oách lắm.

Vì đặc trưng của nghề này là khi làm việc phải thật tập trung, nên chỉ có lúc nào tranh thủ Thầy rảnh mới vào hỏi Thầy được. Lúc mới nhập môn, tôi được Anh Thanh hướng dẫn cách luyện đôi tay, rèn đôi mắt sao cho mềm dẻo (vì các chi tiết của đồng hồ rất nhỏ, nếu tay không mềm dẻo, mắt không tinh thì không làm được).

Tôi chỉ muốn nói rằng, ngày xưa tôi là thằng đen nhẻm, gầy gò, đói kém. Tôi may mắn chết đuối vớ được cọc, gặp được anh Thanh – người thầy của tôi bây giờ. Vì tôi may mắn có cơ hội nắm bắt được, nên tôi không muốn phụ lòng người thầy mình quý mến nhất và đến thời điểm này chúng tôi vẫn cùng song hành với nhau không chỉ về khía cạnh tình cảm, mà còn có cả nghề.  Đó là điều tôi thấy mình may mắn.

Anh Trường Omega chia sẻ về người thầy đáng kính của mình - anh Thanh Omega
Anh Trường Omega chia sẻ về người thầy đáng kính của mình – anh Thanh Omega

Anh luôn nói rằng mình là một người may mắn. Nhưng nếu không phải là sự cố gắng, nỗi lực của bản thân, thì chắc chắn không thể có một Trường Omega như bây giờ. 

Tôi phải công nhận mình là một người may mắn. Thứ nhất là tôi may mắn được đi học ra nước ngoài, chuyến đi Thụy Sĩ đã giúp tôi có một cái nhìn chuyên nghiệp và tổng thể nhất về nghề. Tôi xuất thân từ một người làm công ăn lương, chưa bao giờ mơ mình có dịp được ra nước ngoài, mà cuối cùng cũng thành hiện thực.

May mắn thứ hai là tôi có được một người thầy tuyệt vời như anh Thanh, người đã tận tình chỉ bảo và cho tôi một nền tảng vững chắc để phát triển trong nghề. Nếu không có một cái rễ vững chắc do anh Thanh truyền thụ thì có lẽ tôi không thể phát triển một cách vững vàng như bây giờ.

Cảm giác của Anh khi lần đầu tiên được sửa một chiếc đồng hồ? Anh có thể chia sẻ một vài kỉ niệm đáng nhớ nhất trong nghề được không?

Kỉ niệm thì nhiều lắm, vì nghề này lúc nào cũng cần phải học. Vì càng tiếp xúc, va chạm, sửa sai nhiều thì mình mới tiến bộ lên được. Tính đến nay tôi đã có 17 năm theo nghề. Trong 17 năm đó, tôi đã học được rất nhiều điều. Nhưng kỉ niệm nhớ nhất là lần đầu tiên, sau sáu tháng học việc được “sư phụ” giao cho sửa chiếc đồng hồ đầu tiên. Hồi hộp lắm! Mà đấy lại là chiếc đồng hồ của bạn sư phụ mới chết. (Cười). Thời đấy không phải ai cũng có đồng hồ đeo như bây giờ đâu. Mà phải con nhà khá giả, có điều kiện mới có đấy.

Lần đó mình do sơ ý, làm hỏng mất một cái bánh xe trong đồng hồ của khách. Mình nhớ rất rõ đó là chiếc đồng hồ Universal lên cót tay.Anh Thanh phải bỏ 1 tháng lương của anh ra đền hộ mình. Mà bạn biết hồi ấy tiền có giá trị thế nào. Tôi làm tháng có 350,000 VNĐ chứ mấy. Lương lúc đó của anh Thanh cũng tầm 1 triệu 200 ngàn. Giờ nghĩ lại kỉ niệm đó vẫn thấy buồn cười. Trong lúc khó khăn, có người tình nguyện mang ra một tháng lương sinh hoạt của mình ra để ứng cho bạn, bạn sẽ thấy biết ơn đến thế nào.

uốn làm về đồng hồ thì mắt phải tinh, tay phải khéo
Muốn làm về đồng hồ thì mắt phải tinh, tay phải khéo

Trong quá trình học nghề và làm nghề, có khi nào hai Anh có những “mâu thuẫn” trong nghề với nhau không? 

Nếu nói mâu thuẫn thì không đúng lắm. Có những chặng đường tôi đi sai, không phải đúng tất cả. Nhưng mà Anh vẫn thông cảm và đối xử rất tốt với tôi. Nếu là người khác tôi nghĩ sẽ không có chuyện đó.

Khi mới có được 1 chút tay nghề, tôi đã vỗ vai tự cho rằng mình giỏi. Thậm chí có những lúc tôi tự cao, cho rằng mình đã hơn được Thầy. Đó là thời điểm tôi chưa biết suy nghĩ, hoặc có những suy nghĩ nông cạn. Nhưng Anh Thanh với tư cách là người đi trước,vẫn hỗ trợ tôi ở phía sau. Đó là điều xấu hổ khiến tôi phải suy nghĩ.

Thực ra tôi tin ai cũng có lúc như vậy, nhưng quan trọng là thái độ sống và cách mình sửa sai. Bao nhiêu năm rồi, tình cảm thầy trò chúng tôi vẫn còn rất “mặn nồng”. Ngày xưa khi mới học còn phải cầm tay chỉ việc, bây giờ chỉ cần một câu gợi ý của thầy là đã có thể xử lý vấn đề. Quả thật tôi là một người may mắn khi gặp được một người thầy hiểu mình, luôn song hành cùng với mình trong sự nghiệp và cả trong cuộc sống.

Anh Trường Omega nay đã là một người thầy với rất nhiều học viên tại Bệnh Viện Đồng Hồ
Anh Trường Omega nay đã là một người thầy với rất nhiều học viên tại Bệnh Viện Đồng Hồ

Anh có thể chia sẻ rõ hơn về những hiểu lầm, hoặc ý kiến trái chiều đó của mình cho mọi người cùng hiểu không?

Thực ra trong quá trình làm việc, có đôi lúc tôi có những phát ngôn, những lời hiếu chiến. Nhiều khi tôi quá thẳng tính, đôi khi có thể làm ảnh hưởng tới người khác. Vì thế, tôi không được lòng nhiều người trong ngành. Đáng lẽ đôi khi tôi nên đi đường vòng thay vì đi đường thẳng.

Nhưng bây giờ tôi “đỡ” hơn rồi. Tại vì tôi thấy là mình sai thì mình phải thay đổi, chấp nhận. Sư phụ đứng ra chia sẻ và dàn xếp cho tôi. Rõ ràng mình phải biết dừng lại, biết nhìn nhận những thành công mình có được là do cái gì. Khi còn trẻ, tôi thấy mình còn “ngựa non háu đá”. Nhưng bây giờ thì khác, tôi biết điềm tĩnh và nhìn nhận mọi thứ tốt hơn.

Đến bây giờ, khi đã trải qua nhiều thứ, tôi nhận thấy Thầy của mình vẫn như xưa, thậm chí tình Thầy – trò của tôi còn có phần mặn nồng hơn lúc trước (cười).

Anh Trường Omega – người học trò năm nào, nay cũng đã trở thành một người thầy, tiếp tục truyền dạy kiến thức của mình cho những lớp đàn em đi sau. Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh Trường Omega và chúc cho tình Thầy – trò của hai anh luôn bền đẹp và sâu sắc như bây giờ!

(tudiendongho.vn)

Thay mặt kính đồng hồ chuẩn Thụy Sỹ

Thay dây đồng hồ chính hãng bảo hành 6 tháng

Xem thêm quy trình tại bệnh viện đồng hồ thay mặt kính đồng hồ, sửa chữa đồng hồ tại bệnh viện đồng hồ và dây da đồng hồ , hộp xoay đồng hồ